top of page
Ảnh của tác giảKim Ngan Doan

Lễ dạm ngõ gồm những gì? Thủ tục làm lễ dạm ngõ đầy đủ & chi tiết

Đã cập nhật: 24 thg 4

Lễ dạm ngõ là gì và bao gồm những nghi thức nào? Hãy cùng WEDDINGBOOK tìm hiểu đầy đủ về thủ tục, những điều kiêng kỵ và lưu ý trong việc tổ chức nghi lễ truyền thống trong văn hóa cưới hỏi của người Việt này qua bài viết bên dưới nhé!

Lễ dạm ngõ là gì? Ý nghĩa của lễ dãm ngõ


Lễ dạm ngõ (hay còn gọi là lễ chạm ngõ) là một buổi gặp mặt thân mật giữa nhà cô dâu & chú rể nhằm thể hiện sự đồng thuận việc gả con trai - con gái của hai bên gia đình và quyết định ngày lành tháng tốt để tổ chức các lễ nghi chính thức cho đám cưới.


Khái niệm & ý nghĩa lễ dạm ngõ
Khái niệm & ý nghĩa lễ dạm ngõ trong cưới hỏi

Lễ dạm ngõ được xem là một trong các nghi lễ truyền thống trong phong tục hôn nhân của người Việt nhằm chính thức hóa quan hệ thông gia giữa hai gia đình. Ngày nay, khi các nghi thức rườm rà đã được giản lược nhiều để phù hợp với cuộc sống hiện đại, lễ dạm ngõ được xem là buổi gặp gỡ chính thức của cha mẹ đôi bên, chính thức xác nhận mối quan hệ của đôi trẻ, trò chuyện tìm hiểu gia cảnh và chuẩn bị cho các lễ nghi quan trọng tiếp theo diễn ra được suôn sẻ và thuận lợi trong đám cưới.


Thủ tục làm lễ dạm ngõ đầy đủ & chi tiết


Tùy vào từng vùng miền cụ thể mà thủ tục tổ chức lễ dạm ngõ sẽ có một chút một sự thay đổi theo truyền thống văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các quy trình tổ chức lễ dạm ngõ đều giống nhau và đều cần một kịch bản chuẩn bị thật đầy đủ và chi tiết


1. Chuẩn bị lễ dạm ngõ


  • Thống nhất ngày tổ chức lễ dạm ngõ


Dù không còn nhiều lễ nghi rườm rà và thủ tục cầu kỳ như lễ dạm ngõ truyền thống xưa, việc hai gia đình xem trước ngày lành, tháng tốt hợp tuổi cô dâu - chú rể để thống nhất thời gian hặp mặt chính thức cũng khá được khuyến khích vì không những giúp việc chuẩn bị được chu toàn theo kế hoạch mà còn mang lại may mắn cho cặp đôi trong hành trình hôn nhân sắp tới.


  • Mời họ hàng thân thiết tham gia lễ dạm ngõ


Với buổi gặp gỡ thân mật giữa đại diện họ nhà trai và nhà gái trong lễ dạm ngõ, việc dự trù và mới trước số lượng khách tham dự sẽ giúp phía nhà cô dâu dễ dàng sắp xếp không gian đón tiếp và tổ chức buổi lễ được chỉnh chu và tươm tất hơn. Bên cạnh chú rể và ba mẹ, đại diện họ nhà trai có thể mời thêm ông bà, cô, chú, bác, họ hàng ruột thịt trong gia đình. Về phía họ nhà gái, ngoài cô dâu và ba mẹ nên mời thêm một số họ hàng thân thiết tương tự họ nhà trai nhưng đông hơn 4 - 5 người để có thể đón tiếp đàn trai được chu đáo.


  • Dọn dẹp nhà cửa


Nhà gái cần dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc và trang trí nhà cửa đơn giản để nơi diễn ra lễ dạm ngõ được rộng rãi, thoáng đãng và ấm cúng. Tùy vào điều kiện và không gian của gia đình nhà mà nhà gái có thể chọn dựng thêm phông rạp hoặc không để đón tiếp khách mời. Đặc biệt, bàn thờ gia tiên phải được lau chùi và bày biện hoa tươi cùng với mâm ngũ quả thật tươm tất trong dịp này để thắp hương và lễ bái ông bà.



2. Nhà trai mang lễ vật đến với nhà gái


  • Chuẩn bị tráp dạm ngõ


Tráp dạm ngõ là lễ vật nhà trai sẽ mang đến nhà gái trong buổi lễ dạm ngõ như một lời chào thể hiện thành ý và ngỏ lời tính chuyện trăm năm với gia đình cô dâu, mâm tráp dạm ngõ thường được chuẩn bị trước từ 3 - 4 ngày. Tùy theo đặc điểm vùng miền mà sính lễ làm tráp dạm ngõ sẽ có một số thay đổi. Ví dụ như tráp dạm ngõ miền Bắc sẽ bao gồm một cơi trầu cau, một cặp trà, một cặp rượu, một vài loại bánh; trám dạm ngõ miền Nam sẽ đơn giản hơn bao gồm một cơi trầu cau, một cặp trà, một cặp rượu, một vài loại bánh; còn mâm lễ dạm ngõ theo phong tục miền Trung thường sẽ có khay trầu cau, một chai rượu gói giấy đỏ và đặc sản địa phương như bánh cốm, bánh Hồng,...


Nhà trai chuẩn bị tráp dạm ngõ
Nhà trai chuẩn bị tráp dạm ngõ

Lễ vật dạm ngõ tuy có thể khác nhau theo vùng miền nhưng đều có điểm chung là cần được chuẩn bị chỉnh chu, đầy đủ nhất có thể nhằm thể hiện sự trân trọng và thành ý của nhà rể đối với cô dâu tương lai.


  • Nhà trai gặp mặt nhà gái tại lễ dạm ngõ


Vào đúng ngày hai nhà đã thống nhất hẹn gặp, nhà trai sẽ mang lễ vật đã chuẩn bị bao gồm trầu cau, rượu thuốc, hộp chè,... đến nhà gái để chuẩn bị thực hiện các nghi thức lễ dạm ngõ.


3. Nhà trai ngỏ lời với nhà gái


Sau khi đón tiếp và ổn định vị trí ngồi, đại diện họ nhà trai sẽ đứng lên chào hỏi, giới thiệu các thành viên của gia đình đang có mặt và trình bày lý do tại sao có buổi lễ dạm ngõ ngày hôm nay. Sau đó, người đại diện sẽ trình các lễ vật gia đình chú rể đã chuẩn bị trong mâm lễ dạm ngõ và ngõ ý xin phép nhà gái cho phép cặp đôi được chính thức tìm hiểu để tính chuyện hôn nhân.



Sau phần phát biểu của đại diện nhà trai, đại diện phía nhà gái sẽ có phần phát biểu đáp lễ, đồng thời cũng giới thiệu qua các thành viên trong gia đình đang có mặt tại lễ dạm ngõ.


4. Cô dâu chú rể thắp hương gia tiên


Khi nhà gái gái chấp nhận lời đề nghị từ phía gia đình của chàng trai, cha mẹ của cô dâu sẽ đặt những lễ vật dạm ngõ lên bàn thờ của tổ tiên. Ngay sau đó, cặp đôi sẽ cùng thắp hương để thông báo cho ông bà tổ tiên về sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình và mong muốn nhận được sự phù hộ cho hành trình hôn nhân sắp tới của cả hai được suôn sẻ và hạnh phúc.


5. Bàn bạc các nghi lễ tiếp theo và dùng bữa cơm thân mật


Sau khi hoàn tất các nghi thức cần thiết trong lễ dạm ngõ, gia đình nhà trai và nhà gái sẽ cùng ngồi lại trò chuyện và bàn bạc về các nghi thức cưới hỏi sẽ diễn ra tiếp theo bao gồm thời gian tổ chức lễ ăn hỏi, lễ cưới và các sính lễ đôi bên cần chuẩn bị.


Bàn bạc về đám cưới & dùng cơm sau lễ dạm ngõ
Bàn bạc về đám cưới & dùng cơm sau lễ dạm ngõ

Kết thúc lễ dạm ngõ, gia đình nhà gái có thể mời nhà trai ở lại dùng cơm để thể hiện lòng hiếu khách và gia tăng sự gắn kết đôi bên. Tuy nhiên nếu không có điều kiện và hạn chế về mặt thời gian, gia đình cô dâu có thể chỉ mời nước, hoa quả và bánh ngọt trong suốt thời gian diễn ra lễ dạm ngõ chứ không nhất thiết phải làm cơm thiết đãi.


Những điều kiêng kỵ cần lưu ý trong lễ dạm ngõ


Theo quan niệm dân gian, để mang lại những điều tốt đẹp và may mắn nhất cho chuyện hôn nhân đại sự, các cặp đôi nên lưu ý một số điều kiêng kỵ trong lễ dạm ngõ dưới đây:


1. Kiêng đi dạm ngõ vào ngày xấu, giờ xấu


Nhiều gia đình hiện đại không còn quá khắc khe trong việc tổ chức lễ dạm ngõ, tuy nhiên nếu tránh được một số ngày xấu theo quan niệm dân gian như ngày có sao Cô Thần, sao Quả Tú, năm Kim Lâu,... thì có thể giảm bớt điềm xấu và những điều không may mắn cho cặp đôi trong cuộc sống sau này.


Không dạm ngõ ngày giờ xấu
Không dạm ngõ ngày giờ xấu

2. Kiêng tổ chức lễ dạm ngõ khi nhà có tang


Theo quan niệm của ông bà tổ tiên, lễ dạm ngõ là phần bắt đầu của các nghi thức cưới hỏi đánh dấu cột mốc hôn nhân của cặp đôi. Vì vậy, tuy không phải là lễ cưới chính nhưng cũng nên tránh cử hành khi một trong hai bên nhà đang hoặc vừa mới có tang gia của người thân họ hàng thân thiết, nếu không sẽ mang lại những điều không may mắn.


3. Kiêng làm vỡ đồ đạc trong ngày lễ dạm ngõ


Đồ đạc đổ vỡ đặc biệt là gương vỡ hay gãy đũa trong cái dịp cưới hỏi được coi là báo hiệu của sự tan vỡ và chia cắt. Chính vì vậy, cẩn thận từ khâu tổ chức lễ dạm ngõ cho đến khi hoàn thành các nghi thức cưới hỏi còn lại đều được quan tâm để thể hiện mong ước về một cuộc sống hôn nhân viên mãn và tròn vẹn.

Kiêng làm vỡ đồ đạc trong lễ dạm ngõ
Kiêng làm vỡ đồ đạc trong lễ dạm ngõ

4. Kiêng mời những gia đình đơn thân đến lễ dạm ngõ


Theo nhiều quan niệm của người xưa, cô dâu và chú rể nên tránh mời những người thân có gia đình đơn thân mất vợ hoặc chồng hoặc hiếm muộn,... đến tham gia lễ dạm ngõ.


Những thắc mắc về việc tổ chức lễ dạm ngõ


Trong phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt, lễ dạm ngõ là nghi thức đầu tiên khởi đầu cho loạt lễ nghi khác mà cô dâu - chú rể cần cử hành trước khi chính thức về chung một nhà, nhưng chắc hẳn ít ai có thể hiểu rõ tất tần tật về lễ dạm ngõ. Chính vì vậy, Blog Cưới WEDDINGBOOK xin tổng hợp một số thắc mắc phổ biến về việc tổ chức lễ dạm ngõ đi kèm phần giải đáp với hy vọng mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc:


1. Có bắt buộc tổ chức lễ dạm ngõ không?


Lễ dạm ngõ không phải là một yêu cầu bắt buộc trong quy định hôn nhân truyền thống của Việt Nam. Việc tổ chức lễ dạm ngõ hoặc không là tùy thuộc vào từng gia đình và văn hóa địa phương. Nghi thức lễ dạm ngõ vốn xuất phát từ lòng tri ân, sự tôn trọng gia đình và tổ tiên, đồng thời chia sẻ niềm vui và sự ủng hộ của người thân và bạn bè đối với đôi tân hôn.


Giải đáp các câu hỏi thường gặp về lễ dạm ngõ
Giải đáp các câu hỏi thường gặp về lễ dạm ngõ

Tuy nhiên, với sự thay đổi trong thời đại và quan niệm cá nhân, không phải gia đình nào cũng tổ chức lễ dạm ngõ. Một số gia đình có thể chọn cách bỏ qua hoặc gộp chung với việc tổ chức các nghi thức cưới hỏi khác nếu cần thiết.


2. Lễ dạm ngõ và lễ ăn hỏi khác gì nhau?


Nói ngắn gọn, lễ dạm ngõ chỉ là nghi thức chào hỏi và tìm hiểu sơ về gia đình đối phương. Còn lễ ăn hỏi là một sự kiện quan trọng có sự hiện diện đầy đủ của gia đình, người thân, dâng hương lên bàn thờ gia tiên với đầy đủ lễ vật long trọng nhằm thông báo về việc hỷ sự.


3. Lễ dạm ngõ diễn ra ở đâu?


Nghi thức lễ dạm ngõ được cử hành tại nhà cô dâu với sự góp mặt của hai bên gia đình nhà trai và nhà gái.


4. Những ai cần có mặt trong lễ dạm ngõ?


Các thành viên trong gia đình hai bên nhà trai & nhà gái tham gia lễ dạm ngõ đa phần là người thân, bố mẹ, ông bà, chú bác, cô dì ruột thịt, anh chị của cô dâu - chú rể.


Chỉ những thành viên trong gia đình mới tham gia lễ dạm ngõ
Chỉ những thành viên trong gia đình mới tham gia lễ dạm ngõ

5. Lễ dạm ngõ nhà trai cần chuẩn bị gì?


Trước lễ dạm ngõ, nhà trai cần sắm mâm tráp dạm ngõ bao gồm các lễ vật theo truyền thống vùng miền và bài phát biểu ngỏ lời dành cho người đại diện. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình chú rể khi đến lễ dạm ngõ cũng nên chuẩn bị trang phục lịch sự, truyền thống và đồng bộ nhất nếu có thể.


6. Lễ dạm ngõ nhà gái cần chuẩn bị gì?


Bên cạnh việc dọn dẹp nhà cửa, bày trí bàn thờ gia tiên tươm tất và sắp xếp không gian đón tiếp nhà trai thật thoải mái và ấm cúng. Nhà gái cần chuẩn bị một ít thức ăn nhẹ và đồ uống, trang phục lịch sự và quà tặng khách mời lẫn gia đình nhà trai để kỷ niệm và thể hiện lòng biết ơn.


7. Sau lễ dạm ngõ là lễ gì?


Sau lễ dạm ngõ lần lượt sẽ là lễ ăn hỏi và lễ thành hôn theo trình tự đám cưới truyền thống vẫn còn duy trì đến ngày nay.


8. Lễ dạm ngõ nên mặc gì?


Ngoài việc lựa chọn áo dài truyền thống làm lễ phục chính trong lễ dạm ngõ, ngày nay cô dâu - chú rể và các thành viên trong gia đình còn có nhiều lựa chọn khác như váy dài, quần âu, áo sơ mi hoặc Vest,... vì đây là các loại trang phục phổ biến, mang lại sự thoải mái trong quá trình di chuyển và lại không quá cầu kỳ hay nhếch nhác.


XEM THÊM
Mobile - Ad banner.jpg
Desktop - Ad banner.jpg
bottom of page