Lễ gia tiên là một phần không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam. Cùng WEDDINGBOOK tìm hiểu về lễ gia tiên và các trình tự tổ chức nghi thức này trong bài viết dưới đây nhé!
Lễ gia tiên là gì? Ý nghĩa lễ gia tiên trong phong tục cưới
Trong phong tục đám cưới truyền thống của người Việt, các bậc phụ huynh và cô dâu, chú rể phải thực hiện nghi thức thắp hương lên bàn thờ tổ tiên của gia đình nhằm bày tỏ sự biết ơn đối với các đấng sinh thành, đồng thời ra mắt và báo cáo việc thành lập gia thất của cặp đôi mới cưới. Vì thế, nghi lễ này được gọi là Lễ Gia Tiên.
Ngoài việc ra mắt gia đình và bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên. Lễ gia tiên còn có ý nghĩa thể hiện mong muốn nhận được sự phù hộ may mắn và hạnh phúc từ ông bà quá cố, đồng thời giúp cặp vợ chồng tân hôn thêm phần gắn kết và trách nhiệm trong cuộc sống hôn nhân trong tương lai.
Thời điểm tổ chức lễ gia tiên trong nghi thức cưới
Là một buổi lễ quan trọng trong các nghi thức cưới hỏi, lễ gia tiên sẽ được cử hành ở cả lễ ăn hỏi và lễ cưới, tuy nhiên thời điểm tổ chức sẽ không giống nhau, cụ thể:
+ Đối với lễ ăn hỏi: Lễ gia tiên sẽ được tổ chức ở nhà gái, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau thắp hương lên bàn thờ tổ tiên tại tư gia nhà gái.
+ Đối với lễ cưới: Lễ gia tiên sẽ được lần lượt tổ chức ở cả hai bên gia đình ngay sau khi nhà trai và nhà gái đã chào hỏi lẫn nhau, đồng thời đồng ý việc cưới hỏi của cặp đôi.
Trình tự diễn ra lễ gia tiên
Chính vì, lễ gia tiên là một nghi thức không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi của người Việt nên việc hiểu và nắm rõ trình tự thủ tục lễ gia tiên cũng như cách thức tiến hành buổi lễ này là điều rất cần thiết cho cả cặp đôi và gia đình hai bên.
1. Trình tự lễ gia tiên ở nhà gái
Tại nhà gái, lễ gia tiên được tổ chức vào thời điểm đoàn nhà trai đến thưa chuyện cưới hỏi và ngỏ ý đón cô dâu về trước mặt họ hàng hàng nhà gái. Sau khi nhận được chấp thuận từ gia đình cô dâu, tân lang và tân nương và sẽ cùng thắp hương lên bàn thờ gia tiên nhà gái. Trình tự nghi lễ gia tiên ở nhà gái sẽ được diễn ra khá nhanh để kịp giờ đón dâu, cụ thể như sau:
Thành phần tham gia ở nhà gái: Bố mẹ nhà gái và cô dâu
Thành phần tham gia ở nhà trai: Chú rể, bố mẹ chú rể sẽ không được tham gia lễ gia tiên ở nhà gái
Lễ vật nhà gái chuẩn bị: Mâm ngũ quả, mâm cơm cúng, hai chân đèn để cắm nến đặt lên bàn thờ gia tiên
Trình tự nghi thức:
- Nhà gái đã nhận quả từ nhà trai, sau đó mâm quả sẽ được đặt trước bàn thờ gia tiên
- Theo thứ tự “nam tả nữ hữu”, các đại diện bên nhà gái đứng bên phải còn nhà trai đứng bên trái bàn thờ. Người chủ hôn nhà trai mở đầu bằng việc nói về ý nghĩa khi đem lễ vật tới
- Cha của cô dâu sẽ đáp lời nhà trai, cô dâu được cha hoặc mẹ dắt từ trong phòng ra để chào họ hàng hai bên để chuẩn bị cho làm lễ gia tiên
- Bố mẹ cô dâu hoặc trưởng tộc sẽ thắp hương, lên đèn trên bàn thờ và đọc bài khấn để báo cáo với tổ tiên
- Cô dâu, chú rể sẽ thắp hương dưới sự hướng dẫn của người lớn. Đối với người đã mất thì cô dâu chú rể phải lạy bốn lạy, với người sống thì hai lạy bằng thế lạy cung kính. Sau khi trao hoa cưới cầm tay cho phù dâu, cô dâu mới tiến hành làm lễ, đầu phải cúi thật sát đất, động tác phối hợp đều đặn, lạy xong cô dâu chú rể đứng thẳng người nghiêm trang trước bàn thờ rồi bái thêm lần nữa.
2. Trình tự lễ gia tiên ở nhà trai
Trước khi khởi hành qua nhà gái, nhà trai thường chuẩn bị mâm cơm để làm lễ cúng bái gia tiên. Chủ hôn và chú rể sẽ làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Ngay sau khi hoàn thành việc rước dâu về, mẹ chồng sẽ đích thân ra đón con dâu và lễ gia tiên ở nhà trai sẽ được diễn ra theo trình tự như sau:
Thành phần tham gia ở nhà gái: Thông thường, ở miền Bắc và Miền Trung mẹ cô dâu sẽ không được đưa con dâu về nhà chồng nên chỉ có cô dâu tham dự
Thành phần tham gia ở nhà trai: Thông thường chỉ có cha mẹ chú rể, cô dâu và chú rể. Trong trường hợp gia đình nhà trai đặt bàn thờ gia tiên ở phòng khách thì tất cả các thành viên của đoàn đưa dâu sẽ cùng tham gia nghi lễ này
Lễ vật nhà trai chuẩn bị: Trầu cau, phong bì lễ đen (là lễ vật tiền hoặc vàng), cặp nến lớn chạm khắc hình long phụng
Trình tự nghi thức:
- Bố mẹ chú rể sẽ thắp hương lên bàn thờ gia tiên và đọc bài khấn lễ gia tiên ngày cưới
- Cô dâu và chú rể sẽ thắp hương lên bàn thờ và thực hiện các nghi thức theo hướng dẫn của chủ hôn. Phương thức vái lạy cũng tương tự như lễ gia tiên ở nhà gái
- Sau cùng, cô dâu và chú rể sẽ cúi lạy bố mẹ và những người lớn trong dòng họ.
Trang trí lễ gia tiên
Lễ gia tiên là nghi thức cưới hỏi quan trọng diễn ra ở cả nhà gái và nhà trai, thế nên việc thiết kế không gian sao cho thật ấm cúng, sang trọng lại vừa mang tính kết nối là điều vô cùng cần thiết. Từ cổng hoa cưới, bàn thờ tổ tiên, bàn họ cho đến khu vực đón khách đều nên có cùng một concept và giữ được sự hài hòa với kiến trúc tư gia của hai bên gia đình, giảm thiểu sự rời rạc khi đưa vào các khung hình chụp một dịp có nhiều kỷ niệm như ngày cưới.
Tham khảo bài viết chi tiết về trang trí gia tiên để lựa chọn được phong cách trang trí ưng ý cho dịp quan trọng này
Qua bài viết tìm hiểu về lễ gia tiên nói chung, cùng với các nghi thức lễ gia tiên nhà trai và nhà gái nói riêng, WEDDINGBOOK hy vọng bạn đọc đã có thêm được những thông tin cần thiết chuẩn bị cho buổi lễ gia tiên quan trọng, đồng thời chọn được một phong cách trang trí tiệc gia tiên phù hợp và vừa ý.